Cơ khí trọng điểm vẫn khó được hưởng chính sách ưu đãi
Từ cách đây hơn 10 năm, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành nhằm tạo ra cú hích cho ngành cơ khí trong nước cũng như giúp phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu của ngành cơ khí Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi do nhiều chính sách ưu đãi đã không đến được với doanh nghiệp (DN).
Ngành cơ khí vẫn chậm phát triển
Tại Hội thảo "Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm," do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 18/12, các ý kiến thống nhất, chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ để nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nặng thông qua chương trình cơ khí trọng điểm là hết sức đúng đắn.
Mục tiêu của chiến lược phát triển ngành cơ khí là đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, đến nay, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với khu vực.
Sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu đãi phù hợp
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, các chính sách ưu đãi phát triển dành cho ngành cơ khí trọng điểm vẫn còn nhiều bất cập: “Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, nhiều cơ chế chính sách cho phát triển cơ khí, song ách tắc ở khâu thực hiện nên DN cơ khí không hưởng được các cơ chế chính sách ấy”.
Đối với các chính sách về thuế, các DN cơ khí đề xuất, các vật tư, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Bên cạnh đó, cần miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm...
Theo web - Cơ khí phụ trợ Trường Thịnh