Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
Ngành sản xuất cơ khí Việt Nam đang ngày càng tụt hậu so với các mốc và nhu cầu phát triển của đất nước. Doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay đang phải đương đầu với nhiều thách thức, sức cạnh tranh yếu hơn so với doanh nghiệp cơ khí các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhận diện những cơ hội và thách thức của ngành cơ khí Việt Nam, bài viết đề xuất một vài khuyến nghị nhằm giúp cơ khí Việt Nam vượt qua những thách thức, tận dụng được những cơ hội và phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tình hình phát triển ngành Cơ khí Việt Nam
Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời ở nước ta. Ban đầu nó được biểu hiện dưới dạng các nghề thủ công tạo ra công cụ sản xuất, binh khí… phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và gìn giữ đất nước.
Dưới thời Pháp thuộc, tuy nghề này đã được phát triển mạnh, nhưng chưa thể trở thành một ngành theo đúng nghĩa là ngành Cơ khí. Phải đến năm 1958, khi Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng, thì nền móng ngành công nghiệp cơ khí mới được nhen nhóm.
Từ đó đến nay, Ngành này đã phát triển khá toàn diện, đã có sự chuyên môn hóa ở một số lĩnh vực, trình độ công nghệ cũng ở một mức độ nhất định và đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống” của nền sản xuất xã hội, cung cấp thiết bị, máy công cụ, máy động lực… cho tất cả các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Nhất là đối với ngành gia công cơ khí chính xác cần phải được trú trọng hơn nữa góp phần giúp đất nước phát triển đi lên.